Liên sống ở một vùng quê nghèo cách rất xa ngoại ô thành phố Huế. Gia đình của Liên cuộc sống vô cùng chật vật. Cha mẹ cô bé suốt ngày phải nai lưng ra làm thêm. Tuy họ nhận rất nhiều công việc khác nhau, chính có, phụ cũng có nhưng vẫn không đủ nuôi no bụng hai đứa con gái. Em Liên năm nay đã lên lớp sáu, càng lên nhiều lớp thì lại càng tốn tiền học phí. Hết tiền nọ đến tiền kia, cha mẹ Liên hễ nhận được đồng lương nào phải tiêu ngay đồng ấy, hiếm khi nào trích ra được dăm bảy xu để dành. Liên rất thương cho hoàn cảnh của cha mẹ mình, nhưng cũng chẳng biết làm thế nào được. Cô bé chỉ còn cách học thật giỏi để sớm vào được đại học, rồi tìm cách vừa học vừa đi làm thêm để có tiền trang trải cho gia đình.
Cũng còn may, từ nhỏ Liên đã tỏ ra chăm chỉ và vô cùng thông minh. Cô bé liên tục đạt được những thành tích cao về học tập, điều này đã an ủi cha mẹ Liên rất nhiều. Và năm nay, Liên chính thức đậu vào trường Đại Học Kinh Tế, cô bé sẽ ra Đà Nẵng học trọ.
Liên rất hồi hộp khi sắp được sống ở một môi trường hoàn toàn mới, không còn phải suốt ngày tay nắm chân đất, lao động vất vả nữa. Hôm nay cô bé sẽ lên đường đến nhà trọ mà cha mẹ đã tìm và đặt trước cho cô. Trên xe bus, Liên chọn một chỗ ngồi gần cửa sổ để có thể dễ dàng ngắm nhìn quang cảnh xung quanh. Bất ngờ, có một bà cụ đến xin ngồi ngay ghế bên cạnh.
“Cháu nhích vô cho bà ngồi với nhé” Bà cụ nói với cô bé bằng một vẻ rất hiền từ
“Dạ” Liên lễ phép thưa và làm động tác mời bà cụ ngồi xuống
Trên tay bà cụ cầm một cái giỏ gì đó rất lớn, miệng giỏ lại bịt kín nên Liên không thể thấy trong đó có gì. Bắt gặp cái nhìn tò mò của Liên, bà cụ cười và hỏi:
“Cháu nhìn cái gì đấy ?”
“Dạ, không có gì ạ” Liên vội nói rồi quay đầu đi
“không sao” Bà cụ cười “cháu đừng ngồi xa đi thế, lại gần đây nói chuyện với bà”
Bà cụ có vẻ ân cần và rất thân thiết, cách cư xử của bà khiến Liên có cảm giác vô cùng ấm áp và dễ chịu.
“Cháu đi đâu ?” Bà cụ hỏi
“Cháu ra thành phố học bà ạ”
“Ồ” Bà cụ lại hỏi “thế nhà cháu ở đâu”
“Nhà cháu ở Huế, xa lắm bà ạ”
“Thế à”
Bà cụ gật gù, vô tình làm rơi cái giỏ, múi thắt đầu giỏ hơi chệch ra lộ nguyên một mảng sợi đen óng. Liên lật đật nhặt cái giỏ cho bà cụ, cô bé không khỏi tò mò liếc mắt nhìn vào mảng sợi đen đó.
“Trong giỏ là gì thế ạ ?” Liên thận trọng hỏi khi trao trả cái giỏ cho bà cụ
“Tóc đấy cháu ạ” Bà cụ cười nói
“Ồ!” Liên kêu lên kinh ngạc, vẻ mặt cô tỏ ra hơi sợ
“Cháu đừng sợ” Bà cụ vội trấn an khi nhìn thấy vẻ mặt cô bé
“Dạ” Liên nói “nhưng số tóc đó để làm gì vậy ạ ?”
“Ồ, bà đem chúng đi bán đấy cháu”
“Bán ở đâu vậy hả bà ?”
“Bán cho mấy tiệm làm tóc, họ dùng để nối tóc cho những cô gái trẻ”
“Tóc này bà lấy ở đâu vậy ạ ?” Liên nhìn xuống, cái giỏ rất lớn. Lúc nãy cầm lên Liên cũng cảm thấy hơi nặng, nếu mà trong giỏ chỉ đựng toàn là tóc, vậy thì chắc hẳn số lượng tóc này phải nhiều ghê lắm.
“Bà ở trong chùa, đến mùa đi tu, người ta xuống tóc, bà thường nhặt lấy rồi đem bán đấy cháu”
Vậy là tóc của người tu hành. Trời đất, Liên chợt rùng mình. Vậy là mấy bộ tóc giả cũng có thể do tóc thật tết thành. Thế mà từ đó đến giờ Liên cứ nghĩ chúng được làm bằng ni-lông hay gì đó. Nhưng nói gì thì nói, chứ tóc mà cũng buôn bán được thì thật là… Nhưng mà nếu vậy thì cũng tốt. Mẹ Liên bị chứng rụng tóc, nếu có dịp thì Liên cũng muốn mua cho bà một bộ tóc giả.
Chừng hai tiếng sau, Liên thiếp đi lúc nào không biết. Trong giấc mơ, Liên bỗng nhớ đến mẹ của mình. Không hiểu vì sao nhưng tóc bà ngày càng rụng xuống nhiều hơn. Ban đầu bà chỉ thấy có vài sợi rơi xuống lúc đang chải đầu. Vì ít quá nên bà cũng không để ý, nhưng về sau, ngày nào bà cũng phải lấy hai ngón tay quấn hơn cả mớ tóc rụng rồi vứt đi. Liên thường vô tình nhìn thấy mấy cuộn tóc đó của bà, những lúc như thế, cô bé cảm thấy rất đau lòng. Mỗi buổi tối ngồi nói chuyện với mẹ mình, Liên thường ngắm mái tóc của bà, chúng giờ đây thưa thớt vô cùng, có thể nhìn rõ cả lớp da đầu trắng hếu bên trong. Liên vuốt tóc mẹ với nỗi buồn vô hạn, nếu có thể thì cô bé muốn đổi cho bà mái tóc dày óng ả của mình.
Trước khi xuống trạm, Liên cố hỏi bà cụ:
“Bà ơi, ngoài lấy tóc ở chùa, bà còn lấy ở đâu nữa không ạ”
Bà cụ cười hì hì rồi phất tay đi mất, chỉ lấp lửng vài câu:
“Ở đâu mà chẳng có hả cháu, tóc trong thiên hạ thiếu gì”
Liên cười lớn:
“nói như bà thì làm gì có ai bị hói”
Vài tháng sau, Liên đã dần ổn định được sinh hoạt lẫn cuộc sống học tập của mình. Cô bé không ở trọ trong cùng khu tập thể trường mà thuê riêng ở một nơi khác, giá rẻ và tự do hơn. Ngôi nhà đó không xa lắm nhưng nằm trong một con hẻm sâu có khá nhiều ngã rẽ rộng. Buổi tối Liên không thích ra khỏi nhà vì ở đó chung quanh rất vắng vẻ. Người ở đây có thói quen đi ngủ rất sớm, chín giờ tối đã vội tắt hết đèn điện. Tạo nên một bầu không gian khá ảm đạm và lặng lẽ. Ngôi nhà Liên thuê tổng cộng có bảy người cùng ở. Mọi người nằm chung trong một căn phòng khá lớn, không có giường mà chỉ trải ra bảy cái nệm mỏng, xếp song song thành hai hàng đối xứng nhau. Tất cả người trọ trong nhà đều là con gái và cùng học chung một trường đại học. Tuy có vài người hơn tuổi, cao nhất đã lên tới năm ba rồi nhưng vì là con gái nên dễ kết thân, mọi người đối xử với nhau như chị em trong nhà.
Dần dà, Liên cũng làm quen được với rất nhiều bạn mới. Cuộc sống của Liên trở nên dễ chịu hơn và gần như đây là quãng thời gian hạnh phúc nhất đời cô bé. Thời gian trôi qua, Liên bắt đầu tìm kiếm công việc để làm thêm. Tính tình năng động nên cô bé rất được lòng mọi người chung quanh. Có một tiệm bán trà sữa mời Liên với số tiền công khá cao, nhưng cô bé nghĩ đã làm thì nên làm một việc gì đó ý nghĩa hơn. Vậy là cô bé xin phụ xử lý đĩa nhạc cho một CD shop. Vừa có thời gian rỗi lại vừa làm quen với vi tính.
Năm học cứ thế yên ả trôi đi cho đến khi Liên nhận được một bức thư từ nhà gởi lên. Nội dung thư báo là cha Liên đã thất nghiệp. Người ta nghi ngờ ông ăn cắp nguyên vật liệu để bán kiếm lời. Tin dữ làm Liên choáng váng, cô bé không thể tin được cha mình lại làm những việc như thế. Sau ngày hôm đó, Liên có cảm giác hơi chán và mệt mỏi. Cô bạn thân ở cùng chỗ trọ tỏ ra rất thông cảm. Mỗi buổi tối cả hai thường tâm sự với nhau. Những cuộc tán gẫu thường làm vơi đi nỗi nhớ nhà của hai cô gái trẻ. Hai người chuyện gì cũng có thể kể cho nhau nghe, dần dần, họ trở nên vô cùng thân thiết. Liên trở nên thoáng và khá bất cẩn trong việc giữ gìn tài sản cá nhân. Một lần ổ khóa tủ của Liên bất ngờ bị hư, cô bạn đó đề nghị dùng chung ổ khóa tủ với Liên. Một buổi tối nhân ngày lễ Halloween, cô bạn thân của Liên bảo muốn đi chơi ở một câu lạc bộ rất vui gần trường. Cô ta rủ Liên đi cùng vì không thích đánh lẻ, vả lại cũng muốn cho Liên thư giãn một chút. Dù không mấy hứng thú nhưng nể bạn năn nỉ, Liên đành ậm ừ đồng ý. Đến giờ hẹn, hai cô bạn dắt nhau đi đến câu lạc bộ đó.
Không khí huyên náo và ầm ĩ làm Liên hơi choáng và khó chịu, chỉ một lúc là cô bé đã muốn đi về. Vừa định bảo với cô bạn Liên muốn về trước, ấy vậy mà thoáng cái, cô ta đã biến đi đâu mất. Hai tiếng sau, Liên bắt đầu bực mình vì phải chờ đợi trong cái không khí quá ồn ào này. Cô bé quyết định ra về trước mà không thèm đợi bạn đi cùng nữa.
Lúc về nhà, Liên thấy căn phòng nhộn nhịp hẳn. Thắc mắc hỏi thì được một chị năm ba trả lời:
“Em xem thử mình có bị mất gì không, hình như chúng ta vừa bị trộm”
Liên hốt hoảng chạy về chỗ để hành lý, lục lọi một hồi rồi cô bé mới chợt lá toáng lên:
“Thôi chết rồi, tiền làm thêm và tiền để dành của em mất hết cả rồi?!”
“Sao? Có thật không?”
Liên ngồi bệt xuống òa ra nức nở, những người bạn cuả Liên thay phiên nhau an ủi cô bé, nhưng nỗi tiếc nuối cứ làm cho Liên khóc mãi không thôi.
Kiểm tra kỹ mới biết chẳng có ai mất mát gì cả. Ai cũng cất kỹ đồ đạc và khóa chốt cẩn thận. Chỉ có mỗi Liên dùng chung khóa với cô bạn đó mới bị lấy hết tiền bạc. Hành lý của cô ta đã được đem đi từ trước, nhân lúc dụ khị được Liên chùn chân ở câu lạc bộ thì cô ta đã tìm cách lẻn về nhà, trộm tiền rồi chuồn đi. Cùng lúc đó, quán CD shop cũng chuyển địa điểm đến một nơi xa hơn, Liên không theo được, thế là cô bé cũng đành nghỉ việc. Tài chính eo hẹp cộng với số học phí đại học sắp đến kỳ phải chi nộp. Liên nhất thời lâm vào thế bí, cô bé đành phải hỏi mượn các cô bạn cùng phòng. Dù hết lòng giúp đỡ nhưng cái gì cũng phải có giới hạn. Cố lắm Liên mới giải quyết được phần học phí, nhưng sinh hoạt ăn ở thì phải làm sao? Còn chưa nói cô bé phải kiếm tiền trả nợ lại cho các bạn nữa.
Cảm thông với hoàn cảnh của bạn mình. Hà, một cô bạn gái khá thân học cùng lớp thường xuyên an ủi và động viên Liên.
“Thôi đừng buồn nữa, từ từ thì cũng kiếm được tiền thôi”
“Nhưng làm thế nào chứ, mình đang rối lắm, chẳng biết làm sao cả” Liên than thở
“À, hay là thế này, mình có một ông chú là thầy trong chùa, ngày mai là ngày xuống tóc của một số tăng lữ mới. Tụi mình vào chôm số tóc đó rồi đem bán cho mấy tiệm nối tóc, cũng được kha khá đó nhen.”
“Nhưng làm sao lấy được ?” Liên hồi hộp hỏi
“Ừm, có cách, chiều mai Liên rảnh không, đi với Hà”
Theo như lời hẹn, hai cô gái gặp nhau ở trước cổng siêu thị. Họ cùng đi dạo và ăn tối với nhau. Liên hơi bối rối và nói nhỏ với Hà khi cả hai đang ở trong một quầy bán đồ lưu niệm:
“Ê, sao Hà bảo mình đi xin tóc mà”
“Trời đất” Hà ngạc nhiên nói lớn “ai bảo ‘xin’ lúc nào đâu, chôm chứ sao mà xin được”
Nói xong cô bé nhe răng cười tinh nghịch. Liên cứ riu ríu đi theo như cái đuôi của bạn mình. Cho đến khoảng bảy giờ, Hà rủ Liên về nhà và bảo:
“Tối nay ba mẹ Hà đi làm ca đêm hết rồi, mỗi mình Hà ở nhà. Tối nay Liên qua nhà Hà ngủ nha”
Liên thoạt đầu còn hơi băn khoăn nhưng do Hà cứ nói mãi nên Liên đành chậm rãi gật đầu. Hai cô bé ở chơi với nhau trong nhà đến cỡ chín giờ hơn, thấy Hà không nhắc gì về việc “chôm tóc”, Liên sốt ruột liền hỏi:
“Nè, sao Hà bảo là mình đi chôm tóc mà, có đi thật không vậy ?”
Hà đang ngồi đung đưa chân trên ghế sa-lon, cô bé tỏ ra lười nhác liếc cái đồng hồ treo tường. Cô bé thở hắt ra rồi phóng mình khỏi ghế.
“rồi, đi thôi”
Hà dùng xe máy chở Liên đến gần một ngôi chùa khá cũ kỹ. Con đường lạ hoắc lạ huơ, lại còn cực kỳ khó đi. Nếu Hà không chỉ thì chắc chẳng bao giờ Liên biết có ngôi chùa này. Nó nhỏ và nằm sâu trông một con đường làng chưa được tráng nhựa. Sân chùa im ắng không một bóng người. Hà suỵt nhẹ rồi cho xe vào một gốc tối.
Dân ở đây cũng ngủ sớm chẳng kém gì khu nhà mà Liên đang trọ. Mới (bb) gần chín rưỡi mà chỗ nào cũng thấy tắt đèn tối thui, chỉ có ánh đèn đường leo lét, soi còn không đủ đám lá cây ven lề nữa là.
Hai cô bé kéo nhau chạy vụt vào một ngõ tắt, Liên rùng mình khi thấy hai bên cạnh mình toàn lá là lá. Gió lạnh cứ lùa vào xào xạc làm Liên chợt cảm thấy ớn lạnh. Rốt cục thì Hà cũng dừng lại và dặn dò Liên:
“Nghe nè, tóc người ta cất trong khu nhà kho, Liên đi theo mình và đừng hỏi gì hết, nghen”
Liên ậm ừ. Hà luồn mình qua một cái cửa hẹp, sau đó nắm tay Liên kéo qua luôn. Bên trong cánh cửa trồng một loài hoa gì đó, tối quá nên Liên chẳng thể nhận dạng rõ ràng được. Chỉ biết chúng có rất nhiều gai và mọc um tùm xung quanh. Rất dễ chạm phải.
“Cẩn thận nhen” Hà thầm thì
Liên cố lắm mới vượt qua được đống hoa đầy gai bụi đó, nhưng vô tình, một sợi gai móc phải mái tóc dày của cô bé.
“ối” Liên kêu lên đau đớn
“sao thế ?” Hà dừng lại hỏi
“mình bị kẹt, nó níu tóc mình”
“để mình xem”
Hà nói rồi quay người lại. Cô bé lẹ làng vung tay, lập tức mấu tóc tuột ra khỏi cành gai ngay. Liên cảm ơn rồi nhanh chóng theo bạn chạy ra khỏi chỗ đó. Cả hai cùng nhau chạy rón rén trong bóng đêm u tối, vầng trăng tắt lịm trong những đám mây dày đặc. Chỉ có bóng điện đường leo lét chỗ sáng chỗ không. Ngôi chùa này trông vậy mà rộng khiếp, Liên nghĩ bụng, đi lâu thế rồi mà còn chưa tới được nhà kho. Hà thì không để ý gì nhiều, chỉ cắm cúi chạy theo lối vòng, khẽ khàng tới mức Liên hơi nghi ngờ rằng, cô bé này có khiếu đi ăn trộm.
Cuối cùng, hai người dừng lại ở một cánh cửa gỗ, trông cũ và hơi mục. Cánh cửa bị khóa trái bằng một thanh gỗ trắng chắn qua. Hà nguýt Liên một cái rồi hai đứa cùng dùng sức, đẩy thanh gỗ sang một bên. Cánh cửa mở toang, hai đứa lẻn vào ngay, Hà cẩn thận khép cửa lại rồi nhảy vào trong lục lọi cái gì đó. Choang, một luồng sáng vàng chóe chiếu thẳng vào mặt Liên, cô bé theo phản xạ lấy tay che lại ngay.
“Ở đâu ra vậy ?” Liên hỏi
“Trong này chứ đâu, lúc trước mình đã từng làm việc này hai lần rồi”
Đúng là có kinh nghiệm có khác, không hiểu bán được bao nhiêu mà chịu khó ghê vậy.
“Nè, sao Hà bảo chú Hà là thầy trong chùa mà”
“Mình nói giỡn đó, làm gì có chú bác nào ở đây”
Câu nói của Hà làm Liên giật thót
“Thế… thế” Liên lắp bắp
“Không sao đâu” Hà quay lại nháy mắt trấn an cô bạn gái của mình “mình đã bảo từng làm hai lần rồi mà”
Đã đến nước này thì còn làm gì hơn được nữa, chẳng lẽ đùng đùng làm mặt giận rồi bỏ về. Liên thở dài tiếp tục đi theo bạn, tuy trong bụng lúc này rối như tơ vò.
Đồ đạc trong phòng được xếp khá ngăn nắp và gọn ghẽ. Bàn ra bàn, ghế ra ghế. Hà chỉ Liên đi đến một cái tủ gỗ. Tủ khá nhỏ và không có khóa. Liên đứng cầm đèn rọi sáng cho Hà dễ làm việc. Bàn tay Hà cứ thoăn thoắt, mò chỗ này rồi mò chỗ kia. Bỗng cô bé kêu lên khoái chí rồi chỉ vào trong một cái hốc tủ:
“A, đây rồi!”
Những tưởng Hà sẽ mò vào góc tủ đó nhưng cô bé cho tay vào một hướng khác. Có một cái ngăn ở phía trên, bị bóng tối che khuất làm Liên tưởng chỗ đó trống. Hà cầm lên một cái bịch tròn gói bằng giấy trắng.
“Nè” Hà mừng rỡ đưa cái gói ra trước mặt Liên, khoe
“Ủa, mình tưởng bạn lấy trong kia cơ mà”
“Đâu cơ ?” Hà nhướn một bên chân mày, tỏ vẻ thắc mắc
Liên chỉ về phía hốc tủ, tối thui và chẳng có gì cả. Liên chưng hửng, vậy mà mới nãy đây cô bé còn thấy cái gì đen và ong óng.
“Thôi, xong, về thôi” Hà hất đầu ra phía trước ra hiệu
Liên soi đèn sáng tỏ cánh cửa, Hà thoải mái vừa đi vừa trò chuyện, nhưng khi cô bé vừa chớm tay để mở cửa thì…
Cạch
Ai đó đã khóa ngoài lại mất rồi.
“Thôi chết” Hà hoảng hốt thì thầm “ai đó nhốt chúng ta rồi”
Ai là ai đây trời? Liên bất chợt thấy đầu nặng trĩu, cô bé bắt đầu lo lắng và rủa thầm cái vụ trộm tóc ngu ngốc này. Giờ này mà bị nhốt thì làm sao? Trong lúc đang bấn loạn thì có tiếng khìn khịt vang lên. Một con chó từ đâu sủa lên ăng ẳng làm Liên thót cả tim.
“Ê, cửa không khóa, là do mình đẩy mạnh nên bị kẹt thôi” Hà chợt nói làm Liên dịu xuống, nhưng còn con chó thì tính sao?
Hà đưa tay lên miệng làm dấu ‘suỵt’, cô bé áp mắt vào một cái lỗ nhỏ quan sát. Một lúc sau, Hà nói nhanh:
“Không có chi, con chó nhà hàng xóm, nó đi rồi”
Liên nghĩ bụng:
“chó hàng xóm mà đi giữ nhà cho chùa, hết biết”
Hai cô bé chờ một lúc cho thật sự yên tâm rồi mới bắt đầu thò mình ra khỏi cửa. Liên thề, lần này là lần đầu cũng là lần cuối. Chẳng bao giờ cô bé đồng ý bất cứ lời đề nghị nào của bạn bè nữa.
Ngay sáng hôm sau, Hà chở Liên đến một tiệm nối tóc ở gần đường Nguyễn Thị Minh Khai. Liên không thể ngờ, người ta lại có thể mua số tóc đó với một giá hời như vậy. Liên nhận một nữa và cảm thấy cũng đủ để trả tiền thuê nhà tháng này, còn để trang trải cho một số món khác nữa.
Vài tuần sau, nỗi ám ảnh về tiền bạc lại quay về với Liên. Chưa nằm ấm chỗ được một thời gian, số tiền trong túi của cô bé lại phải nói lời biệt ly với cô chủ. Liên lại mệt mỏi và bắt đầu tìm kiếm công việc làm thêm. Một hôm, không hiểu trời xui đất khiến thế nào, Liên lại đi ngang qua con đường có tiệm nối tóc hôm nọ. Thoạt đầu cô bé cũng không để ý, nhưng đột ngột bà chủ chạy ra ngoắt Liên lại, cô bé mới thậm thụt bước lại vào trong tiệm.
Bà chủ mời Liên ngồi và bắt đầu nói chuyện với Liên về chuyện tóc tai hôm trước. Liên cứ ngỡ bà này đòi lại món tiền vì số tóc đó không hợp vệ sinh chăng? Rủi mà như vậy thì cô bé biết đường đâu mà nói hả trời. Nhưng cũng may, bà ta chẳng đả động gì tới chuyện đó cả. Mà không hẳn là không đả động, chỉ là bà ta muốn hỏi Liên còn muốn bán tóc nữa không thôi.
“Thế cháu không có ý định bán thêm à?” Bà chủ hỏi, vẻ hy vọng
“Không ạ” Liên thành thật trả lời
“Thế thì tiếc nhỉ ?” Bà chủ chắt lưỡi
“Nhưng tóc cần thế hở cô?”
“Cần chứ” Bà chủ kêu lên “thường thì có thể dùng ni-lông, nhưng nếu có tóc thiệt bán thì tốt”
Liên tạm biệt bà ta sau vài phút trò chuyện. Công nhận là cô bé có hơi tiếc thật, nhưng chẳng biết làm sao. Liên chậm rãi lái chiếc xe đạp về hướng nhà trọ, nhưng trên đường đi, cô bé bất ngờ nhìn thấy bà cụ trên chuyến xe bus hôm nào. Bà ta đứng bên vệ đường và nháy mắt với cô bé. Ối, bà ta vừa nháy mắt ở đằng xa kia. Liên nín thở thắng xe lại. Cái nháy mắt của bà cụ làm Liên có cảm giác hơi ngộp, không biết vì sao.
Nhưng cô bé lấy lại bình tĩnh một cách nhanh chóng rồi lượn xe về phía bà cụ. Bà ta gật đầu chào Liên, bà hỏi, giọng vẫn rất ấm áp và ân cần:
“Chào cháu, cháu còn nhớ ta không ?”
“Cháu nhớ ạ”
Thì ra bà cụ bị trật chân giữa đường và không có tiền đi xe. Liên tình nguyện chở bà cụ về đến tận nhà. Cô bé đèo bà đi đến hết hai con đường lớn, Liên không biết nhà bà cụ lại xa thế. Nhưng càng đi, cô bé lại càng thót bụng. Con đường đến nhà bà cụ này, y hệt con đường mà lần trước nhỏ Hà dẫn Liên đi chôm tóc, nói cách khác, Liên đang trên đường đến ngôi chùa nọ.
Định bụng sẽ để bà cụ ở gần một chỗ nào đó rồi đạp xe về ngay, Liên quả thực không muốn nhìn lại ngôi chùa đó một chút nào nữa. Nhưng nhìn bà cụ ốm yếu, cứ ngã vào người mình, lúc nhìn Liên thì bà già lại móm mém cười, Liên không nỡ.
Ghét của nào trời trao của ấy, quả đúng ngay chốc con hẻm tạt vào ngôi chùa. Liên bạo dạn hỏi:
“Bà sống ở đâu vậy ạ?”
“Bà ở trong chùa cháu ạ”
Tim Liên giật thót lên một cái thật mạnh. Thôi rồi, đừng nói bà ở trong cái nhà kho hôm nọ luôn nha, Liên thầm khấn trời, hy vọng không phải vậy. Bà cụ bảo Liên dựng xe ở một gốc tường gần chùa rồi dìu bà đi sâu vô trong. Trời buổi sáng làm Liên đỡ sợ hơn, nhưng ngôi chùa này có cái gì đó là lạ. Ai đời lại xây một cái chùa nhỏ xíu mà mấy cái nhà xung quanh lại bự tổ chảng vậy nè. Cũng còn may, bà cụ không bắt Liên dắt lại cái nhà kho đó mà dẫn cô bé quẹo vào một đường luồng của sân sau chùa. Trong đó hơi hơi giống như một cái hầm nhỏ vậy. Trần nhà mục nát và thoảng khói. Giường và bếp đặt gần cạnh nhau, cứ như thể bà cụ vừa ăn vừa ngủ ở đây luôn vậy.
Liên dìu bà lên giường nằm nghĩ rồi vội xin phép ra về ngay, nhưng bà nắm tay Liên bảo nán lại một chút. Không dám làm phiền lòng bà cụ, Liên đành ngồi một gốc ở cuối giường tán gẫu với bà già. Cũng chẳng có chuyện gì nhiều để mà nói, ngoài mấy chuyện hỏi thăm lặt vặt, Liên chỉ biết đáp hờ cho xong. Cô bé chỉ mong bà cụ than buồn ngủ để mà Liên có cớ ra về. Nhưng mà bà già càng lúc càng tỉnh ra như sáo, khuôn mặt hom hem dường như phồng ra lúc vui vẻ, chắc đã lâu rồi bà không nói chuyện nhiều với ai. Liên nghĩ bà ấy sống một mình vì chung quanh chỉ xếp một cái giường duy nhất, giường lại nhỏ nên chắc chẳng có ai xin nằm ké. Bà cụ quả là sống một thân một mình thật. Liên chợt nhớ đến bà ngoại của mình rồi tự chắc lưỡi “tội nghiệp”.
“a, hôm nọ, cháu và bạn cháu đến đây lấy tóc phải không?”
Liên giật mình, miệng cô bé há ra. Câu hỏi này của bà cụ như một cú nhéo mạnh. Trời đất, làm sao mà bà ấy biết vậy cà?
“Đừng sợ” Bà cụ cười hì hì “lấy thì lấy, có gì mà ngại hở cháu”
Liên cười trừ, khuôn mặt vẫn còn hơi đờ nhưng hơi thở cũng nhịp đều hơn. Hình như bà ấy không có ý bắt chẹt Liên, nhưng mà sao Liên cứ cảm thấy chột dạ hoài. Có cái gì kỳ lắm đang xảy ra.
“Thế cháu bán được bao nhiêu?”
“Cũng ít thôi ạ” Liên đáp lí nhí
“Ừm, từng đó thì thấm là bao, có muốn nữa không bà cho thêm”
Mắt Liên mở lớn, chợt quên mất cái sự lo lắng nãy giờ của cô bé:
“Thật hả bà”
“Ừ” Bà cụ gật đầu cười hiền
“Nhưng mà…” Liên nói một cách khó khăn, nhìn cô bé có vẻ trăn trở lắm, cứ làm như đang chuẩn bị nhận của nả gì ghê gớm lắm vậy.
“Có gì đâu, bà biết cháu là một cô gái ngoan, để bà cho cháu cái này”
Bà cụ chồm lên, kéo chiếc chiếu trên đầu giường ra, để lộ một cái kéo ngọn hoắc. Thân cây kéo làm bằng gỗ mộc, đẽo gọt một cách rất tỉ mỉ và trau chuốt. Hai lưỡi kéo không đều nhau nhưng có vẻ rất bén. Bà cụ cầm cái kéo lên, mò vào trong túi lấy ra một mảnh vải khô rồi quấn mũi kéo lại, cột cứng ngắt. Bà đưa cái kéo cho Liên, cô bé nhận mà mắt cứ mở lớn hết sức kinh ngạc.
“Ơ, bà cho cháu cái kéo ạ?”
“Ừ” Bà cụ lại đáp
“Nhưng…để làm gì ạ?”
“Để từ từ bà nói cho mà nghe” Bà cụ ôn tồn đáp “hồi xưa ấy, mẹ của bà lúc chiến tranh có nhặt được của người ta một nén vàng. Bà ấy dùng toàn bộ số vàng đó mua nhà, mua cửa, sắm sửa đủ thứ. Rồi vào một ngày mùng ba tết, có một cô đồng tìm đến, hỏi xem mẹ bà có cần mua gương không. Mẹ bà từ chối nhưng vẫn mời cô đồng uống nước và ăn bánh. Cô đồng không nói gì, ăn hết phần bánh của mình và xin một cái hộp diêm đem về. Kể từ hôm đó mẹ bà làm ăn ngày càng khó khăn và nợ nần chồng chất. Bao nhiêu của nhà đem gán hết để trả nợ. Rốt cục chỉ còn mỗi một cái kéo. Mẹ bà buồn phiền quá nên bỏ quê đi mất biệt, gởi bà cho một cô hàng xóm nuôi hộ. Nói là nuôi hộ nhưng thực ra là để bà đi ở đợ cho người ta. Mẹ bà chỉ đưa cho bà cái kéo đó để giữ làm tin. Sau này, cô đồng lại tìm đến bà và hỏi thăm. Cô đồng b���o là lỗi của cô nên nhà bà mới tán nghiệp, nên cô muốn giúp đỡ. Cô hỏi bà còn cái gì quý thì đưa cho cô mượn, bà liền đưa ra cái kéo. Cô đồng xem cái kéo rồi dùng tóc lau nhẹ hai cái lưỡi. Lúc đó bà còn không hiểu nhưng mà về sau, bà lấy cái kéo đó cắt đồ, cắt thứ gì là nói dài ra lại thứ ấy. Ngoài mấy đồ cứng, tiền và thức ăn, thứ gì mềm như sợi chỉ, cắt ra là dài lại ngay.”